Tại sao cần phải có văn hóa doanh nghiệp?
Cũng như một tập thể xã hội muốn đoàn kết và có trật tự thì không thể thiếu văn hóa. Một doanh nghiệp muốn hoạt động hiệu quả và gắn kết chặt chẽ từ lãnh đạo đến nhân viên sẽ không thể thiếu yếu tố “văn hóa doanh nghiệp”.
Văn hóa doanh nghiệp (VHDN) là tập hợp những giá trị về tinh thần, là cách thức tương tác giữa con người trong công ty, từ nhân viên đến lãnh đạo. Văn hóa doanh nghiệp có thể thấy qua những biểu hiện về trang phục, không gian làm việc, đối thoại, cấu trúc tổ chức, các mối quan hệ… Nhưng đôi khi cũng “ngầm chảy” bên trong mỗi doanh nghiệp mà không dễ thấy. Đó là các giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, là quy tắc ngầm hiểu, tiêu chuẩn vô hình, thái độ, niềm tin, cách thức tiếp nhận vấn đề…
Yếu tố văn hóa sản sinh một cách tự nhiên và song hành với quá trình phát triển của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp chi phối tình cảm, cách suy nghĩ và hành vi của từng thành viên trong doanh nghiệp. Chẳng vậy mà khi gia nhập công ty, điều đầu tiên các nhân viên mới cần hiểu chính là văn hóa doanh nghiệp. Khi thấu hiểu văn hóa nơi mình làm, nhân viên mới sẽ dễ dàng bắt nhịp và hòa nhập với tập thể, giúp công việc vào guồng trơn tru. Có thể ví von văn hóa doanh nghiệp như chiếc chìa khóa để mở cánh cửa hòa nhập vào môi trường sống và làm việc ở công ty.
Văn hóa doanh nghiệp có tác dụng gì?
VHDN quyết định sự trường tồn của doanh nghiệp. Nó giúp doanh nghiệp trường tồn vượt xa cuộc đời của những người sáng lập. Nhiều người cho rằng VHDN là một tài sản của doanh nghiệp.
Động lực làm việc
Tạo động lực làm việc: VHDN giúp nhân viên thấy rõ mục tiêu, định hướng và bản chất công việc mình làm. VHDN phù hợp giúp nhân viên có cảm giác mình làm công việc có ý nghĩa hãnh diện vì là một thành viên của doanh nghiệp. Lương và thu nhập chỉ là một phần của động lực làm việc. Khi thu nhập đạt đến một mức nào đó, người ta sẵn sàng đánh đổi chọn mức thu nhập thấp hơn để được làm việc ở một môi trường hoà đồng, thoải mái, được đồng nghiệp tôn trọng.
Điều phối và kiểm soát:VHDN điều phối và kiểm soát hành vi cá nhân bằng các câu chuyện, các chuẩn mực, thủ tục, quy trình, quy tắc… Khi phải ra một quyết định phức tạp, văn hoá doanh nghiệp giúp ta thu hẹp phạm vi các lựa chọn phải xem xét.
Giảm xung đột: VHDN là chất keo gắn kết các thành viên của doanh nghiệp. Nó giúp các thành viên thống nhất về cách hiểu vấn đề, đánh giá, lựa chọn và định hướng hành động. Khi nhân viên phải đối mặt với xu hướng xung đột lẫn nhau thì văn hoá chính là yếu tố giúp mọi người hoà nhập và thống nhất.
Kim chỉ nam cho sự phát triển bền vững
Lợi thế cạnh tranh:Tổng hợp các yếu tố gắn kết, điều phối, kiểm soát, tạo động lực… làm tăng hiệu quả hoạt động và tạo sự khác biệt trên thị trường. Hiệu quả và sự khác biệt sẽ giúp doanh nghiệp cạnh tranh tốt trên thị trường.
Sưu tầm.